VietMis đọc tìm hiểu trên mạng về thị trường "đặt đồ ăn trực tuyến, giao hàng tận nơi", hay nôm na dịch vụ "măm măm tại gia hay tại sở" này, thì ôi, đụng ngay hàng loạt những cái tên ... Có những cái tên ăn theo lúc đặt món như: "dịch vụ đặt thức ăn", "dịch vụ gọi đồ ăn", "thị trường đặt đồ ăn", "thị trường đặt món", "app gọi món" ... và có những cái tên ăn theo lúc giao món như: "app giao thức ăn", "thị trường giao đồ ăn", "dịch vụ giao món" ... Đúng là chưa tìm hiểu thì đã chết vì bị loạn tên rồi, hihi, đúng là "Danh bất chính, ngôn bất thuận, sự bất thành" mà ...
Suy ngẫm, bản chất dịch vụ "măm măm tại gia hay tại sở" này bao gồm hai dịch vụ là 1/ĐẶT MÓN (như đặt hàng hay đặt phòng khách sạn vậy) và 2/GIAO MÓN (như giao hàng vậy), nên LegoMis đề nghị đặt lại tên của dịch vụ này là: ĐẶT & GIAO MÓN.
Nghĩa tên theo VietMis là: DỊCH VỤ ĐẶT & GIAO MÓN / THỊ TRƯỜNG ĐẶT & GIAO MÓN / APP ĐẶT & GIAO MÓN / ỨNG DỤNG ĐẶT & GIAO MÓN / hay SÀN TMĐT ĐẶT & GIAO MÓN, nhất quán thế nha ...
MÓN ở đây có thể là MÓN ĂN như bún chả cá, bún đậu mắm tôm, phở, mì, hủ tiếu, cơm văn phòng, bánh mì... MÓN có thể là THỨC UỐNG như trà sữa, sinh tố, chè, kem, cafe... MÓN có thể là TRÁI CÂY như chuối, cam, ổi, mận... MÓN cũng có thể là BÁNH KẸO như bánh ngọt, bánh kem, kẹo dừa nữa... Nghĩa là những thứ gì để măm măm, ực ực, hay nhóm nhép thì đều được gọi là MÓN nha 😊
Bây giờ "Danh chính, ngôn thuận, sự thành" rồi, mời Bạn đọc bài viết lại của VietMis, viết về thị trường đặt & giao món này nha ...
=== === ===
NĂM 2019, BÙNG NỔ THỊ TRƯỜNG ĐẶT & GIAO MÓN
[Bài viết lại của VietMis]
Việt Nam hiện nay có nhiều thương hiệu chuyên kinh doanh với ứng dụng/ website/ hay sàn thương mại điện tử đặt & giao món. Bạn có thể đặt món trực tuyến bằng smartphone, tablet hay laptop; nhân viên giao hàng, thường là bác tài xe máy, sẽ đến nhà hàng hay quán để nhận món ăn, thức uống, rồi lái xe đến giao món đó tại địa chỉ nhà hay địa chỉ công ty của Bạn ...
Khảo sát của Kantar TNS Vietnam [xem Chú thích 1 bên dưới] vào tháng 4/2019 cho thấy, GrabFood là thương hiệu đặt & giao món được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam với 81% lựa chọn, tiếp đến là Now của Foody.vn và GoFood của Go-Viet.
Theo thống kê nội bộ của Grab, kể từ khi có thêm dịch vụ đặt & giao món GrabFood, thu nhập của các đối tác tài xế GrabBike tăng lên khoảng 23% và lợi nhuận của đối tác nhà hàng, quán ăn cũng tăng 300% trong vòng 2 - 3 tháng. GrabFood đã phủ sóng ở 15 tỉnh, thành trên cả nước, còn GoFood dù mới tham gia cũng đã nhận được gần 6 triệu đơn hàng.
Thị trường đặt & giao món tại Việt Nam liên tục nóng khi giữa tháng 5/2019 vừa qua có thêm tân binh đến từ Hàn Quốc - Woowa Brothers. Đơn vị này cũng đã triển khai ứng dụng đặt & giao món BAEMIN tại Việt Nam sau khi thâu tóm Vietnammm.
Dự báo của Euromonitor, thị trường đặt & giao món Việt Nam cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới. Sang năm 2020, lĩnh vực này sẽ đạt giá trị khoảng 38 triệu USD.
VÌ THỊ TRƯỜNG ĐẶT & GIAO MÓN BÙNG NỔ, NÊN HÀNG QUÁN, TÀI XẾ, CÁC ĐƠN VỊ THANH TOÁN CŨNG HƯỞNG LỢI THEO ...
Anh Hoàng, chủ quán bún chả cá trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp, TP HCM) cho biết, 3 tháng đầu năm nay, lượng khách dùng món ăn tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10-20% qua mỗi tháng.
Anh Hoàng nói và cho biết: "Sở dĩ doanh số ngày càng phát triển, ngoài món ăn của quán ngon, lạ miệng, việc nở rộ các ứng dụng đặt & giao món đã giúp đơn hàng tăng mạnh. Nếu trước đây chỉ khách quen gọi giao món theo số hotline của quán thì nay tôi có đăng ký cả 3 dịch vụ GrabFood, GoFood và Now. Với các dịch vụ này, quán cũng yên tâm khi khách đặt món. Mặt khác, quán cũng tiết kiệm được nhân công đi giao hàng".
Cũng phấn khởi khi doanh số liên tục tăng trưởng, chị Thanh, chủ cửa hàng bún đậu mắm tôm trên đường Phan Văn Trị (Gò Vấp) cho biết, hiện nay 60% doanh số bán hàng của cửa hàng chị đến từ các dịch vụ đặt & giao món, 40% là khách đến cửa hàng.
Chị Thanh chủ cửa hàng trên chia sẻ: "Lý do khiến đơn hàng từ các ứng dụng đặt & giao món cao hơn vì khách được hưởng nhiều ưu đãi, khuyến mãi. Mặt khác, thay vì chỉ áp dụng một ứng dụng đặt & giao món như trước đây thì món bún đậu có thể bán được ở trên 3-4 apps. Dù lợi nhuận trên món không cao như bán tại cửa hàng nhưng đổi lại lượng khách mua hàng đông".
Không chỉ hàng quán hưởng lợi, ngay cả tài xế tham gia giao hàng cũng cho biết thu nhập thông qua dịch vụ đặt & giao món của họ cao hơn hẳn so với chạy xe ôm thông thường. Anh Hòa, một nhân viên giao hàng cho biết, ngoài tham gia chạy xe ôm công nghệ, anh còn tham gia giao thức ăn 3 tiếng vào buổi trưa và chiều nên mỗi ngày kiếm thêm 150.000 - 300.000 đồng. Đặc biệt, những khách hàng thân thiện còn thường xuyên "tip" thêm mỗi khi nhận món ăn hay thức uống ưng ý.
Anh Hòa bộc bạch: "Giao món ăn hay thức uống phải chạy trong quãng đường ngắn, nhưng bù lại mình được hãng hỗ trợ, đảm bảo doanh thu 25.000 - 45.000 đồng một cuốc xe. Ngoài ra, với những đơn hàng thanh toán không thành công mình vẫn được đền bù hợp lý".
Nằm trong danh sách được hưởng lợi từ ứng dụng đặt & giao món, các đơn vị thanh toán cho biết doanh thu, lợi nhuận đến từ các ứng dụng này không hề nhỏ. Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo một ngân hàng thương mại ở Tp.HCM cho biết, năm 2018 lợi nhuận ngân hàng của ông tăng trưởng tốt nhờ phần thu từ các ứng dụng đặt & giao món trên thị trường. Vị này cũng cho rằng, dù số lượng phần trăm lợi nhuận thu được trên mỗi lần sử dụng của khách hàng khá nhỏ nhưng thị trường đặt & giao món phát triển "thần tốc" khiến lượng người thanh toán qua thẻ tăng đột biến, kéo theo lợi nhuận được chia cao.
CÁC THƯƠNG HIỆU ĐẶT & GIAO MÓN ĐỀ CẬP TRONG BÀI VIẾT
[VietMis có thể cập nhật lại danh sách này khi nghiên cứu kỹ về thị trường đặt & giao món ...]
1. GrabFood của Grab
2. Now của Foody.vn
3. GoFood của GoViet
4. BAEMIN của Woowa Brothers Hàn Quốc [xem bài chia sẻ Link 1]
CHÚ THÍCH 1: KANTAR TNS VIETNAM:
- Kantar TNS (Kantar Taylor Nelson Sofres) là công ty nghiên cứu thị trường truyền thông, chuyên cung cấp những phân tích, đo lường và cái nhìn tổng thể xuyên suốt về thị trường truyền thông thông qua sự hoạt động của các công ty TNS trên 70 quốc gia.
- TNS Vietnam (Taylor Nelson Sofres Vietnam) đặt trụ sở chính tại Tp.HCM và có văn phòng đại diện tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. TNS Việt Nam là công ty đa quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường tại Việt Nam. TNS là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, chuyên nghiên cứu những xu hướng tiêu dùng, thói quen sinh hoạt, các họat động trong phạm vi marketing, tư vấn và phát triển các sản phẩm mới ... TNS chuyên tổ chức các cuộc khảo sát nhằm thu nhận được những thông tin giúp định hướng cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, công ty hoạt động có hiệu quả hơn ...
Mời Bạn đọc kiểm chứng bài gốc tại link chia sẻ nha ...